Chẩn đoán và báo cáo nhiễm trùng tại giường bệnh có thể cải thiện độ chính xác của điều trị, giảm việc sử dụng kháng sinh không phù hợp và tăng cường giám sát nhiễm trùng. Nhóm nghiên cứu của trường Imperial College London (ICL) đã được mời tham dự triển lãm Vi khuẩn siêu đề kháng (Superbugs) tại Quốc hội Anh vào ngày 25 tháng 2 năm 2020. Triển lãm được tổ chức bởi Giám đốc Y tế của nước Anh, Giáo sư Chris Whitty. Nhóm nghiên cứu của trường ICL đã giới thiệu LacewingCBIT, một nền tảng chẩn đoán trong đó tích hợp toàn bộ quy trình/thao tác xét nghiệm trên 1 chip điện tử (lab-on-a-chip) kết nối với điện toán đám mây để chuẩn đoán nhanh và báo cáo các bệnh truyền nhiễm.
Chẩn đoán nhanh đã được xác định là một công cụ quan trọng để làm giảm đề kháng kháng sinh (AMR). Chẩn đoán tại giường bệnh khi bệnh nhân đang được điều trị, có thể cải thiện độ chính xác của việc điều trị. Việc này làm giảm cơ hội lây truyền bệnh và hạn chế sử dụng kháng sinh, bao gồm cả những trường hợp sử dụng kháng sinh không hiệu quả, như chống lại vi rút. Lạm dụng thuốc kháng sinh là nguyên nhân chính gây ra đề kháng kháng sinh (AMR). Các phương pháp chẩn đoán nhiễm trùng và đề kháng kháng sinh hiện nay thường tốn nhiều thời gian và phải thực hiện trong phòng thí nghiệm. Một phương pháp để kiểm tra tại giường bệnh là xác định sinh vật gây nhiễm trùng bằng cách sử dụng các chất chỉ điểm chuyên biệt có trong axit nucleic (DNA hoặc RNA) của vi sinh vật. Phương pháp này cũng có thể được mở rộng để bao gồm các chất chỉ điểm của AMR. Ngoài ra, việc kết hợp phát hiện tại giường bệnh và báo cáo và chia sẻ chẩn đoán kịp thời mang lại nhiều tiềm năng để tăng cường giám sát và áp dụng trong quy trình chăm sóc lâm sàng thường quy.